Ba kích ban đầu có tên là Bất Điêu Thảo do một lang y nổi tiếng người Trung Quốc cuối thế kỷ 16 có tên Lý Thời Trân (ông là tác giả của cuốn ” Bản thảo cương mục” nổi tiếng). Trong Bản thảo cương mục, Ba kích có tên trong cương mục “Nhật Hoa Tử Bản Thảo”. Về sau, người ta đặt cái tên Ba kích nhằm tưởng nhớ đến 3 lần “người cha đẻ” của cây thuốc này 3 lần thi trượt cử nhân, từ đó cuộc đời ông mới chớm hoa với ngành y.
Tên khoa học: Morinda officinalis How. Rubiaceae (họ Cà Phê)
Tên thông dụng: ba kích thiên (Trung Quốc), dây ruột gà, nhàu thuốc, diệp liễu thảo, đan điền âm vũ, chẩu phóng xì (Quảng Ninh), …
Tên Trung Quốc: 巴戟天(Bā jǐ tiān)
Nơi trồng trọt và thu hái
Ở Việt Nam, có 2 loại ba kích là ba kích tím và ba kích trắng. Vỏ ba kích tím có máu vàng sậm, phần thịt bên trong có màu tím nhạt, ngâm rượu sẽ cho màu tím. Trong khi đó, ba kích trắng có vỏ màu vàng nhạt hơn, thịt màu trắng trong, khi ngâm rượu vẫn gần như giữ nguyên màu rượu. Ba kích tím được dân gian cho là có công dụng tốt hơn ba kích trắng, ngâm rượu cũng có mùi vị ngon hơn nên được sử dụng phổ biến và giá cao hơn ba kích trắng.

Ngày xưa, cây ba kích mọc hoang ở những vùng trung du và đồi núi thấp các tỉnh phía Bắc dưới dạng cây bụi; hiện nay, ba kích được người dân tích cực canh tác để dùng làm thuốc, đặc biệt là các vùng Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Hà Tây, Hà Giang, Hòa Bình, Phú Thọ, …
Thời gian từ lúc bắt đầu trồng đến khi thu hoạch mất khoảng 3 năm. Rễ ba kích được thu hái quanh năm, thời điểm thu hoạch tốt nhất vào khoảng tháng 10 – 11. Lúc thu hoạch, người ta đào rộng xung quanh cây ba kích để lấy toàn bộ phần rễ, cắt bỏ rễ con, rửa sạch đất cát, phơi hoặc sấy khô rồi đập dẹp và phơi tiếp cho thật khô là được. Rễ ba kích được chia làm 2 loại:
- Loại ba kích rễ to, khỏe, cùi dày, màu tía là loại tốt.
- Loại rễ nhỏ, cùi mỏng hơn, màu trong là loại vừa.
Thành phần hóa học
Trong rễ cây ba kích, thành phần hóa học chủ yếu được tìm thấy là hỗ hợp nhiều loại anthraglycosid, anthraquinone, rubiadin-1-methylether, gentianine, alkaloid, trigonelline, gitogenin, tigogenin, carpaine, cholin, quercetin, luteolin, các loại đường và acid hữu cơ, phytosterol, rất ít tinh dầu và vitamin C, vitamin B1.
Công dụng
Ba kích có vị cay ngọt, tính hơi ấm, quy vào kinh can, thận. Đông y cho rằng ba kích có khả năng bổ thận, tráng dương, tăng cường sinh lực, hỗ trợ điều trị yếu sinh lý, làm thúc đẩy khả năng ham muốn và tăng cường chất lượng giao hợp, điều trị xuất tinh sớm, di tinh, mộng tinh ở nam giới, trừ phong thấp, tăng độ dẻo dai, kiện gân cốt, làm hạ huyết áp, tăng cường hoạt động não, giúp ngủ ngon, làm tăng sức đề kháng, chống viêm, làm tăng sự co bóp của ruột, nhuận tràng.
Trong dân gian, Ba kích là vị thuốc bổ trí não và tinh khí, dùng chữa xuất tinh sớm, di mộng tinh, liệt dương, kinh nguyệt chậm hoặc bí kinh, phong thấp, huyết áp cao. Ngày dùng 8-16g dạng thuốc sắc, cao lỏng, viên chế từ cao hoặc rượu thuốc. Người ta thường đào củ cây mọc hoang về nấu với thịt và ăn hoặc ngâm rượu uống để bồi bổ sức khoẻ.