Thụ tinh trong ống nghiệm là gì?
Thụ tinh trong ống nghiệm (In Vitro Fertilization, viết tắt là IVF) là một trong các phương pháp điều trị vô sinh hiếm muộn, hỗ trợ sinh sản được thực hiện thành công lần đầu tiên vào năm 1978 bằng cách để tinh trùng và trứng kết hợp ở ngoài cơ thể người mẹ.
Tháng 7 năm 1978, đứa trẻ thụ tinh ống nghiệm đầu tiên ra đời tại có tên Louise Brown tại Bệnh viện Hoàng Gia Oldham ở Anh, đánh dấu một thời khắc lịch sử nhân loại trong điều trị hiếm muộn.

Đứa trẻ đầu tiên ra đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm
Các bước thụ tinh ống nghiệm bao gồm: kích thích buồng trứng phát triển, lấy trứng trưởng thành ra ngoài; quá trình thụ thai diễn ta trong ống nghiệm (bên ngoài cơ thể mẹ) bẳng cách lấy tinh trùng khỏe mạnh của người cha đưa vào trứng trong ống nghiệm và chuyển phôi ngược vào tử cung. Sau đó phôi sẽ bắt đầu hiện tượng làm tổ và phát triển thành thai nhi giống như quá trình thụ thai bình thường.
Thụ tinh ống nghiệm được chỉ định cho nhóm bệnh nhân: tinh trùng cực ít, không có tinh trùng, hiếm muộn không rõ nguyên nhân dù đã bơm tinh trùng nhiều lần (thụ tinh nhân tạo), lạc nội mạc tử cung, tắc ống dẫn trứng, … hoặc các trường hợp vô sinh chưa rõ nguyên nhân.
Tỉ lệ có thai của thụ tinh ống nghiệm lên đến 50% – 60% và hiện được xem là một trong những phương pháp điều trị vô sinh hiếm muộn hiệu quả nhất, đem lại hi vọng cho những cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn.
Đặc điểm của thụ tinh trong ống nghiệm
Về mặt chi phí
Chi phí phải trả cho một ca IVF tại Việt Nam hiện nay là khoảng 50 đến 80 triệu đồng tùy theo từng trường hợp.
Vì tỉ lệ thành công của phương pháp này khá cao do có dùng thuốc kích thích trứng nên xác suất thất bại thấp, tuy nhiên vẫn có trường hợp làm lại trên 2 lần làm gia tăng chi phí điều trị.
Về tính dễ dàng thực hiện
Thụ tinh trong ống nghiệm IVF có mức độ can thiệp sâu hơn ở người nữ vì phải lấy trứng ra ngoài cũng như bắt buộc sử dụng thuốc kích thích buồng trứng, do đó có thể ứng dụng cho các trường hợp người mẹ bị tắc ống dẫn trứng, người cao tuổi hoặc có trữ lượng trứng thấp.
Thời điểm thực hiện
Thụ tinh trong ống nghiệm IVF phải sử dụng kích thích buồng trứng để tăng khả năng thụ thai và lấy trứng nhanh nên kiểm soát thời gian tốt, xong lại dễ xuất hiện các tác dụng phụ hơn.
Hiệu quả cao
Với những cặp vợ chồng không chẩn đoán được nguyên nhân vô sinh, việc can thiệp bằng thụ tinh trong ống nghiệm sẽ đem lại hiệu quả cao hơn so với việc thụ thai tự nhiên.
Quá trình thụ tinh trong ống nghiệm, có tỉ lệ thành công nhiều hơn nhiều so với thụ tinh nhân tạo (loại không sử dụng kích thích buồng trứng) và các hình thức hỗ trợ sinh sản khác.
Tính tiện lợi
Thụ tinh trong ống nghiệm IVF có thể hỗ trợ và giúp những người mẹ đơn thân, hoặc những cặp vợ chồng đồng tính có thể có con nhờ ngân hàng tinh trùng.
Những phôi chưa được sử dụng trong thụ tinh trong ống nghiệm IVF có thể được dùng để tặng lại cho các cặp đôi hiếm muộn khác, hoặc thậm chí, những phôi này có thể được để dành trong một thời gian dài.
Sàng lọc bệnh di truyền
Thụ tinh trong ống nghiệm IVF được sử dụng trong sản khoa để sàng lọc các bệnh di truyền. Đặc biệt là các bệnh rối loạn di truyền như bệnh xơ nang, bệnh Huntington, loạn dưỡng cơ, hội chứng Down, đảm bảo một thai kỳ hiệu quả và một em bé thật sự khỏe mạnh khi ra đời.
Tác dụng phụ
Thụ tinh trong ống nghiệm IVF có sử dụng thuốc kích trứng làm buồng trứng căng phồng, chảy dịch vào ổ bụng và khoảng 1% số trường hợp phải nhập viện.
Phương pháp điều trị thụ tinh trong ống nghiệm dễ có khả năng tạo nên đa thai (khoảng 20 – 30% trường hợp), vì thường để tránh xác suất không thành công, cần phải đưa nhiều hơn một phôi vào tử cung. Hiện tượng đa thai sẽ kéo theo những rủi ro về sức khỏe của mẹ và bé, như nguy cơ sẩy thai, sinh non, thai chết lưu và các vấn đề sức khỏe trẻ sơ sinh khác.
Vấn đề thai ngoài tử cung cũng được các bác sĩ sản khoa cảnh báo tăng gấp đôi (1 – 3% trường hợp) khi điều trị bằng thụ tinh trong ống nghiệm, đặc biệt hay xảy ra ở những phụ nữ có vấn đề nặng về ống dẫn trứng.
Sự kích thích nồng độ estrogen cao trong quá trình thụ tinh trong ống nghiệm sẽ dẫn tới sự tác động không tốt đến môi trường của tử cung. Gây ra sinh non và trọng lượng cơ thể trẻ sơ sinh nhẹ, làm ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài của đứa trẻ.